Chú Giải Tin Mừng Thứ Năm Tuần XV Mùa Thường Niên (Mt 11,28-30) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ NĂM TUẦN XV MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Mt 11, 28-30

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Xh 3,13-20

Thiên Chúa nói với Môsê: "Ta là Đấng Tự Hữu"

Ta biết tầm quan trọng của danh xưng đối với người Do thái. Nó biểu thị hữu thể thâm sâu... như thế, Thiên Chúa không phải là một thực tại mù mờ, vô ngã... như đôi khi người ta tưởng. Thiên Chúa không phải là một sự vật mông lung. Người có một "tên " là một ai đó sống động. "Giavê" ở đây là "Tự HữU". Có thể có nghĩa gì. Đôi khi người ta nghĩ rằng đây là một khước từ không minh định chính mình, một cách tránh câu trả lời, khi Chúa nói: “Ta là Đấng Tự Hữu” và thực sự Thiên Chúa ở ngoài mọi danh xưng và, không thể bị nắm bắt được Người Siêu Việt.

Người sẽ bảo con cái Israel thế này: "Đấng Tự Hữu sai tôi đến với anh em”.

Ta là. Ta hiện hữu.

Điều đó thường được giải thích thế này: Thiên Chúa là “hữu thể hiện hữu trong chính mình" là đá cứng, Đấng duy nhất thực sự hiện hữu và Danh này là một đảm bảo: "Đấng sai tôi đến với anh em thật kiên vững”.

Chúa là Thiên Chúa tổ phụ các ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Israel, Thiên Chúa của Giacob.

Tại Ai Cập, giữa các thần linh đủ loại, dân Do thái có nhiều dịp để chọn một cách sùng bái ngẫu tượng bên ngoài: Thiên Chúa tỏ mình là Chúa thật duy nhất và gắn bó với truyền thống các tổ phụ, truyền thống có lẽ đã bị bỏ quên quá nhiều.

Vậy đây là Thiên Chúa “trung thành" luôn giữ lời hứa.

Chúng ta luôn bị cám dỗ nghĩ rằng Thiên Chúa quên bỏ chúng ta, để chúng ta phải té ngã. Nhưng Chúa xem ra không vội vã, Israel đã xa Đất, dầu đã được hứa cả tám hay chín thế kỷ rồi. Cuộc đợi chờ bất tận.

Lạy Chúa, con muốn tin rằng Chúa trung thành, là Thiên Chúa của Cha ông chúng con, Chúa sẽ thực hiện mọi điều Chúa đã hứa cho chúng con.

Ta đã viếng thăm các người, Ta đã thấy tất cả các sự ngược đãi đối với các người trong đất Ai Cập, nên Ta nói rằng: "Ta sẽ đón đưa các ngươi khỏi cảnh khốn khó ở Ai Cập, mà đem vào đất Canaan, là đất chảy sữa và mật”.

Một kiểu dịch các từ Giavê là: “Ta là gì thì Ta vẫn thế", ở thời vị lai... làm như 'Thiên Chúa loan báo rằng người ta sẽ nhận ra Người trong điều Người sắp làm.

Thật sự Thiên Chúa là Đấng dẫn mình vào lịch sử, một Thiên Chúa tích cực can thiệp để “tạo dựng”, "cứu vớt”, “tụ họp”.

Ta quyết định giải thoát các người khỏi cảnh áp bức và giúp các ngươi sống trong một miền đất dễ sống, một nơi chảy tràn sữa mật cho các ngươi!

Tôi có thật sự xác tín rằng Thiên Chúa muốn là Thiên Chúa đó không? Khi mơ đến, "công bình " “phát triển”, “thăng tiến", người ta có biết chuẩn nhận một ước mơ của Thiên Chúa không?

Ta biết rằng vua Ai Cập sẽ không để cho các ngươi ra đi đâu, trừ khi ra tay hùng mạnh.

Thiên Chúa sắp dấn thân trọn vẹn về phía những người bị áp bức.

Còn chúng ta?

Bài đọc II: Is 26,7-9.12.16-19

Bản văn chúng ta đọc hôm nay, thuộc loại văn chương khác với các bản trước, nó có lối hành văn rất giống với một Thánh vịnh.

Con đường người công chính thật thẳng băng. Người san bằng lối đi của người công chính.

Đây gợi lên một hình ảnh: một con đường, một lối đi.

Có một điều chắc chắn là: Thiên Chúa giúp tiến bước dễ dàng, Người san bằng các nỗi khó khăn của ta. Lạy Chúa, xin làm cho con bước đi ngay thẳng trên con đường của Người. Xin giúp con tiến bước.

Danh Người và lòng tưởng nhớ Người là niềm khát vọng của tầm hồn con. Ban đêm con mong ước Người. Từ sáng sớm con khao khát Người.

Đó là lời cầu nguyện ước mong, lời cầu nguyện hy vọng. Suốt ngày đêm không ngừng. Điều mà vị ngôn sứ mơ ước là chính Thiên Chúa. Danh Người Lòng tưởng nhớ người.

Khi chúng ta đã đọc các lời sấm về thể chế chính trị trong các ngày qua, chúng ta có thể lầm tưởng rằng, Isaia chỉ là một người chìm đắm trong việc trần tục. Ở đây, ông tỏ mình là một người của Thiên Chúa đắm chìm trong cầu nguyện, cả hai không xung khắc - nhau.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự bằng yên, bởi vì Người hành động tùy theo các việc chúng con. Lạy Chúa, trong cơn khốn cực chúng con kiếm hai Người. sự trừng phạt của Người nhận chìm chúng con trong nỗi buồn khổ.

Đây là lời cầu nguyện của một người trong cơn “hoạn nạn", ông cầu nguyện nhân danh một dân tộc...cùng chung một niềm đau khổ: các cuộc bại trận được giải thích như là “một hình phạt”.

Như một bà mang bầu, gần ngày sinh quằn quại kêu la trong đau đớn, chúng con ở trước nhan Người, cũng như thế, Lạy Giavê.

Chúng con đã thai nghén, chúng con quặn đau; nhưng chúng con đẻ ra cái không, chúng con không đem phần rỗi đến cho quả đất, không có đời nào được ra đời.

Thật là một tâm tình cảm động khi đề cập đến sự phù vân các cố gắng loài người để đạt tới ơn cứu rỗi!

Người ta “quằn quại”, người ta phải cho ra đời, một đứa trẻ và chỉ là một con số không. Người ta phí sức vào một công việc mình tin tưởng, và rốt cuộc là thất bại, Vị ngôn sứ đã tuyên sấm mà không ai nghe.

Không có ơn Thiên Chúa giúp đỡ, cuộc đời ta là con số không.

Cũng như NGÀY NAY, các, trào lưu thuyết hiện sinh quả quyết mạnh mẽ rằng họ mang một tâm trạng chán nản sâu xa vì "số phận con người " phải chết. Phải dám nhìn thất bại, sự hư vô cái chết.

Tôi nhìn các thất bại của tôi, và qua chúng tôi cầu nguyện như Isaia…

Các người chết của ngươi sẽ sống lại, các tử thi sẽ hồi sinh. Hãy tỉnh dậy và ca hát, hỡi các người của tro bụi, vì sương của ngươi là sương chói sáng, và sự sống sẽ nảy sinh trong đất của kẻ chết.

Kìa đó là niềm tin, nguồn hy vọng ở ngay trong thất bại nặng nề nhất.

Chắc chắn sau này sẽ được sống lại. Sự đau khổ trở nên nguồn phong phú, cố gắng của loài người không bao giờ là “số không"... Khi các điều ấy được suy tính với mục thâm sâu nhất.

Lạy Chúa, xin ban niềm hy vọng cho chúng con. Lạy Chúa, xin ban niềm hy vọng cho những ai đang bị các cơn thử thách đè bẹp.

BÀI TIN MỪNG: Mt 11,28-30

Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi…

Đó là đoạn văn tiếp nối bản văn Tin Mừng đã suy niệm hôm qua.

Đức Giêsu tiếp tục nghĩ đến những người đầu tiên vẫn được Người quan tâm chăm sóc đó là những kẻ thấp bé, nghèo hèn, những người đau khổ đói khát, những người bệnh tật hay bất hạnh... nói chung, đó là tất cả những người đang mang gánh nặng nề.

Trước hết, tôi muốn chiêm ngưỡng tình cảm đang chứa đầy trong tâm hồn Đức Giêsu.

Lạy Chúa, con cố hình dung ra những thái độ, cử chỉ Chúa đã thể hiện, những lời Chúa đã nói, khi Chúa ở với họ.

“Hãy đến cùng tôi…”

Chúa mời gọi họ hãy lại gần, hãy đến với Chúa.

Phần con, con có biết tiến lại gần Chúa, mỗi khi vất vả mang gánh nặng, mỗi khi gặp lo âu sầu khổ không?

Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng...

Ta có thể chuyển dịch:"Tôi sẽ nâng đỡ” Tôi sẽ cho thoải mái "Tôi sẽ cất gánh nặng”.

Đó là hình ảnh con người khốn khổ đang vất vả mang gánh nặng nề, đặt gánh đó kề bên ngồi nghỉ một lát, rồi lại gồng gánh lên đường. Đó là hình ảnh người đàn bà đáng thương đi kiếm củi trong rừng rậm, và khi không chịu nổi sức nặng của bó củi, đã phải dừng nghỉ một chút, trước khi tiếp tục lên đường.

Đó là điều Đức Giêsu muốn thực hiện cho ta... cho ta nghỉ ngơi tăng cường sinh lực, giúp ta nhẹ nhàng và thảnh thơi hơn, trao tặng ta niềm vui

Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.

Lạy Chúa xin tạ ơn Chúa.

Đối với tôi, xưng thú tội lỗi có là giây phút tôi trút bỏ gánh nặng không? Có là lúc mang lại bình an, niềm vui và giải thoát không?

Thời gian tôi cầu nguyện có là thứ lao dịch phiền khổ, hay là những giây phút tôi được, gần Đức Giêsu để ngơi nghỉ bên Người không?

Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học gương tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.

Thời Đức Giêsu, các tiến sĩ luật áp đặt quá nhiều luật buộc khó thực hiện: Chúng được sánh ví như những “ách" thô nặng sần sùi mà nông dân thường đặt trên cổ loài vật, dễ làm trầy da xước thịt.

Vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.

Cần phải dừng lại lâu hơn để suy nghĩ những lời trên, những tâm sự của Đức Giêsu. Một lần nữa, cố hình dung ra lời mời gọi trên đã phản ánh thế nào qua thái độ, cung cách đối xử cách nói cách sống của Chúa.

Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.

Thế mà, đôi khi con cảm thấy vất vả nặng nề khi mang gánh đó: Nhưng Lạy Chúa, con muốn tin tưởng và phó thác cho Chúa.

Có điều chắc chắn là, nếu ta thực sự phó thác nơi Chúa, ta sẽ thực sự được phấn khởi, an tâm, vui vẻ. Đức tin ơn gọi, bổn phận. đạo đức của ta… không khi nào lại trở nên như gánh nặng cho ta. Tình yêu chỉ có thể giải thoát và mang lại hân hoan.

Chính nhờ niềm vui này mà người ta nhận ra môn đệ đích thực của Đức Giêsu.

 

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Chúa mạc khải cho những kẻ bé mọn.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. “Tất cả những ai đang vất vả …”:

Thường tình khi gặp gian nan thử thách buồn phiền, con người hay tìm giải sầu tự nhiên trong men rượu, cà phê, thuốc lá, hay tệ hơn nữa trong xì ke-ma túy. Có một cách thanh tao hơn để con người giải sầu là tìm đến bạn hữu chân tình để tâm sự cho vơi đi những nỗi buồn phiền.

Bài Tin-Mừng hôm nay giới thiệu cho mọi người Kitô hữu chúng ta một phương thế siêu nhiên để vượt qua những thử thách, buồn phiền để được an bình tươi vui trong tâm hồn, đó là đến với Chúa: “Hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”.

- Đến với Chúa để học lấy cách sống của Người.

- Đến với Chúa để sống như Người giảng dạy.

- Đến với Chúa để đón nhận tình thương của Chúa: vì Chúa là nguồn an ủi.

2. “Anh em hãy mang lấy ách của tôi”:

Mang lấy ách của tôi là một kiểu nói bóng các thầy Rap-bi xưa quen dùng, hàm ý nhìn nhận ai là thầy (Hc 51,31; Is 55,1; Cn 9,5; Hc 24,19).

Trường học của Chúa Giê-su, người theo học được mời gọi sống sát theo gương mẫu của Người: hiền lành và khiêm tốn, nghĩa là bất bạo động, tràn đầy tình thương, nhân từ, liên đới và tha thứ giữa mọi người, đặc biệt là những người bé mọn, bị bỏ rơi, bị khinh miệt, kỳ thị và bị đàn áp.

Khi học biết cách sống tình yêu thương đại đồng và phát huy tình yêu thương không biên giới đó, nghĩa là không hận thù, không bạo động, con người sẽ đạt được bình an nội tâm và thể hiện nó ra trong cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội.

3. Bài Tin-Mừng hôm nay có thể gợi ra cho chúng ta những câu hỏi để soi sáng kinh nghiệm đức tin của chúng ta:

- Tôi có tới với Chúa Giê-su không?

- Đâu là mệt nhọc, gánh nặng của tôi hôm nay?

- Việc tôi sống mực thiết với Chúa Giê-su có khiến cực nhọc của tôi có một ý nghĩa không?

- Cực nhọc của tôi hôm nay có làm cho tôi sinh ra ác độc, khó chịu không?

- Chúa Kitô trong tôi, có khiến cho tôi đủ nghị lực trở nên dịu hiền, nhân lành, khiêm nhường dù gặp bất cứ hoàn cảnh nào không?

4. “Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng”:

Sở dĩ Chúa Giê-su là nơi an nghỉ thực sự cho con người, vì:

- Người là Thầy nhân hậu, là chính Thiên-Chúa đầy tình nhân ái và khiêm nhường; khác với các nhà lãnh đạo trần thế ích kỷ, vụ lợi và tàn bạo.

- Người “hiền lành và khiêm nhường”: được thể hiện qua mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc.

- Người là Thiên-Chúa tình yêu. Khi có đòi hỏi nào đến với chúng ta qua cái nhìn và lời nói của người yêu thương chúng ta và chúng ta yêu thương lại, lúc đó sự đòi hỏi không còn cứng rắn và nặng nề nữa.

5. Sau khi cảm tạ Chúa Cha đã vui lòng mạc khải mầu nhiệm Nước-Trời cho những kẻ bé mọn, bây giờ Chúa Giê-su kêu gọi họ đến với Người.

- Nhận mình là phận nhỏ trước mặt Chúa, chúng ta cảm thấy nhu cầu cần đến Chúa và thao thức tìm đến Chúa mọi nơi, mọi lúc và trong mọi công việc.

- Noi gương Chúa, chúng ta sẵn sàng đón tiếp và phục vụ những kẻ bé mọn về vật chất: nghèo; về tinh thần: đau khổ; về tâm linh: tội lỗi.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.